Gần đây mình gặp khá nhiều trường hợp bạn bè có khuynh hướng bỏ hết tất cả, bỏ hết công ăn việc làm để tu, để thiền hoặc gần như dành hết mọi nguồn lực hiện tại cho những hoạt động thuộc về thực hành tâm linh… với một niềm tin sắt đá (hoặc bị nhồi sọ) rằng: “chỉ cần thiền thôi, chỉ cần khởi ý nguyện vũ trụ sẽ đong đầy cuộc sống hoặc hiện thực hoá mọi ước mơ…”
Rèn luyện, tu sửa, thiền định… đều là những phương pháp phát triển bản thân, thực hành điều này hoàn toàn không sai, nhưng chúng ta cần có một nhận thức hợp lý hơn cho từng trường hợp cụ thể hoặc điều kiện của bản thân.
Giả sử con em của bạn không không động tay động chân gì cả mà cả ngày chỉ biết nhè mồm ra kêu gào, xin xỏ thì tôi tin rằng bạn cũng không thể bảo bọc mãi được dù rằng bạn rất thương yêu người kia, đó chỉ là sự khôn ngoan của loài người và hiển nhiên với sự minh triết tuyệt hảo các bậc giác ngộ, các vị thầy tâm linh lẽ nào lại mê muội và dung túng cho một quan niệm sống thiếu hợp lý?
Mỗi người chúng ta đều có nhiều điều kiện để thực hành tâm linh ngay trong đời sống hàng ngày của bản thân mà không cần buông bỏ, nếu làm sếp, hãy làm một người sếp tốt, cư xử với thuộc cấp, với khách hàng dựa trên hệ quy chiều của lòng biết ơn, yêu thương và công bằng, điều này sẽ là tấm gương, là động lực để dẫn dắt tập thể ấy hướng đến những điều tích cực và tốt đẹp hơn… tương tự, ở vai trò nào trong gia đình, trong tập thể, trong xã hội nếu chúng ta sử dụng hệ quy chiếu yêu thương, biết ơn, công bằng và tinh thần phụng sự thì chúng ta đã làm được rất nhiều điều cho bản thân và tha nhân, cần chi phải bỏ hết mọi thứ?
Hay cũng có quan điểm rằng, tôi chỉ làm, chỉ kinh doanh những gì liên quan đến tu tập, đến thiền mà thôi, những thứ khác không thể làm được… xin thưa rằng, chúng ta có thể thiền mọi lúc, mọi nơi thì sao cần phải có quá nhiều quy tắc như thế? Và càng không nhất thiết phải giống, hay là bản sao của một ai đó.
Khi ai đó bỏ hết công ăn việc làm, nguồn thu để đi theo con đường tu tập thì ngay cả bản thân người đó còn chưa đảm bảo được cho cuộc sống của chính mình thì làm sao có thể yên tâm phát triển bản thân huống chi có thể hỗ trợ người khác?
Cần hiểu rõ hoàn cảnh cá nhân để có hướng đi hợp lý, đừng vì phong trào hay xúi bảo của một ai đó (bởi hoàn cảnh, điều kiện của họ và ta chưa chắc giống nhau) tiền bạc, của cải không xấu nhưng dùng cho việc gì? Có được bằng cách nào? Đâu là con số chúng ta mong muốn, đâu là con số chúng ta thực sự cần thiết? là những câu hỏi mà chỉ có bản thân mỗi người mới có thể trả lời để có giải pháp cho hành trình của mình.
Rèn luyện bản thân không phải là sự trốn chạy và càng không thể trở thành gánh nặng hay chỉ trông chờ vào lòng hảo tâm của người khác.
- Tran Minh Luan